Bệnh viêm ruột thừa cấp và cách điều trị
Viêm ruột thừa cấp là bệnh cấp cứu ngoại khoa khá thường gặp. Bệnh có những triệu chứng và cách điều trị như thế nào, hãy cùng Bệnh viện đa khoa TTH Hà Tĩnh tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây
1. Bệnh viêm ruột thừa cấp
Ruột thừa là một đoạn ruột dính vào manh tràng, dạng túi nhỏ và hẹp, có chiều dài vài centimet. Nó nằm ở phần nối tiếp giữa ruột non và ruột già, có vị trí ở phần bụng dưới bên phải.
Viêm ruột thừa cấp là tình trạng viêm cấp tính ở phần ruột thừa. Sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa (sỏi phân, phì đại các nang bạch huyết dưới niêm mạc, dị vật, khối u của ruột thừa hoặc manh tràng...) có thể là nguyên nhân gây viêm ruột thừa.
Lượng vi khuẩn nhân lên nhanh chóng do tắc nghẽn khiến ruột thừa bị viêm, sưng và hóa mủ. Viêm ruột thừa cấp tính là căn bệnh nguy hiểm và thời gian diễn tiến cũng thường rất nhanh. Vì vậy, người bệnh cần nắm được các triệu chứng viêm ruột thừa để kịp thời đến bệnh viện cấp cứu và điều trị càng sớm càng tốt.
Bệnh viêm ruột thừa cấp
2. Triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa cấp
Triệu chứng của bệnh thường liên quan đến hệ tiêu hóa, đồng thời kèm một số dấu hiệu khác như: sốt, mệt mỏi khó chịu. Tuy nhiên nhìn chung, tình trạng viêm ruột thừa cấp ở trẻ em và cả người lớn đều có những biểu hiện sau đây:
✔️ Đau bụng là dấu hiệu đầu tiên xảy ra khi ruột thừa bắt đầu viêm. Đau thường bắt đầu từ khó chịu vùng quanh rốn hoặc thượng vị, sau đó di chuyển xuống hố chậu phải. Đau thường âm ỉ, liên tục, thỉnh thoảng có cơn trội. Mức độ đau cũng tăng dần lên trong vòng 6 -24 tiếng. Đau tăng lên khi xoay người, ho, hắt hơi, di chuyển hoặc tác động vào.
Ở trẻ em, với những trường hợp muộn có biến chứng vỡ gây viêm phúc mạc trẻ thường có triệu chứng của liệt ruột như chướng bụng, hoặc tắc ruột cơ học như chướng bụng và nôn, bí trung đại tiện trong trường hợp áp xe ruột thừa.
Đau bụng là dấu hiệu đầu tiên xảy ra khi ruột thừa bắt đầu viêm
Ngoài biểu hiện đau bụng điển hình, các triệu chứng viêm ruột thừa khác có thể kể đến bao gồm:
✔️Sốt nhưng không quá cao (khoảng 37,2 - 38,3 độ C), do đó nhiều người bệnh sẽ chủ quan bỏ qua dấu hiệu này. Tuy nhiên, khi sốt cao kèm lạnh run báo hiệu viêm ruột thừa đã có biến chứng vỡ hoặc hoại tử vỡ.
✔️Các dấu hiệu về tiêu hóa như buồn nôn hoặc nôn; chán ăn; táo bón, nhưng đôi khi lại có trường hợp lại bị tiêu chảy gây dễ nhầm lẫn với những triệu chứng rối loạn tiêu hóa hoặc viêm ruột khác làm bệnh nhân và người nhà chủ quan.
✔️Đôi khi bệnh nhân có thể gặp những triệu chứng giống tiết niệu như tiểu đau, tiểu khó.
3. Phương pháp điều trị viêm ruột thừa cấp
Điều trị tiêu chuẩn vàng cho viêm ruột thừa là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể được điều trị bằng kháng sinh để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
4.1. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm
Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi để loại bỏ ruột thừa. Phẫu thuật mở thực hiện bằng cách rạch 5 – 10cm da vùng bụng. Trong khi đó, phẫu thuật nội soi lại đưa những thiết bị chuyên dụng và một camera video hình ảnh qua những lỗ nhỏ ở bụng.
So với phẫu thuật mở thì phương pháp phẫu thuật nội soi có ưu điểm giúp người bệnh nhanh phục hồi, giảm cảm giác đau và vết thương ít để lại sẹo. Đây là lựa chọn hàng đầu cho hầu hết người bệnh viêm ruột thừa cấp. Tuy nhiên một số trường hợp chống chỉ định của phẫu thuật nội soi là: đã phẫu thuật ổ bụng trước đó, bệnh lý hô hấp và bệnh lý tim mạch nặng,…
Các trường hợp được khuyến cáo mổ mở bao gồm:
– Vị trí ruột thừa bất thường.
– Viêm phúc mạc ruột thừa và ruột quá chướng hơi hoặc ổ bụng quá bẩn.
– Viêm ruột thừa có biến chứng, không thể thực hiện hoặc không an toàn khi thực hiện phẫu thuật nội soi. Trường hợp viêm ruột thừa không biến chứng, người bệnh thường nằm viện 1 – 2 ngày nếu phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa. Trường hợp có biến chứng vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc, thời gian nằm viện thường kéo dài khoảng 5 ngày.
4.2. Điều trị không phẫu thuật
Trường hợp viêm ruột thừa cấp không biến chứng có thể điều trị kháng sinh, không phẫu thuật. Tỷ lệ thành công của phương pháp này ước tính là khoảng 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát là khá cao (hơn 30%) sau điều trị. Do đó, phương pháp điều trị viêm ruột thừa bảo tồn không mổ không được ứng dụng phổ biến.
Có thể cân nhắc điều trị bảo tồn với kháng sinh với trường hợp viêm ruột thừa không có biến chứng và người bệnh không đảm bảo cho phẫu thuật như:
– Người mắc bệnh lý rối loạn đông máu nặng.
– Người có bệnh nội khoa kèm rất nặng không thể chịu đựng được cuộc phẫu thuật.
Người bệnh viêm ruột thừa có biến chứng vỡ gây áp-xe ruột thừa sẽ được chọc dẫn lưu áp-xe dưới siêu âm và phối hợp điều trị kháng sinh. Sau 6 tháng khi người bệnh ổn định sức khỏe, bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật cắt ruột thừa.
Viêm ruột thừa cấp là bệnh cấp cứu ngoại khoa khá thường gặp. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới biến chứng viêm phúc mạc đe dọa tới tính mạng bệnh nhân. Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE: 0911. 92.91.92 hoặc để lại thông tin bên dưới để được tư vấn miễn phí.
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TTH HÀ TĨNH
💙Vì sức khỏe và nụ cười của bạn💙
📞 0911.92.91.92
🏥 Số 01 đường Ngô Quyền, TP. Hà Tĩnh