Tập đoàn TTHGroup | 0911 92 91 92 Đặt lịch

Chăm sóc sau nhổ răng như thế nào để nhanh phục hồi nhất

Nhổ răng là một điều trị xâm lấn trong nha khoa vì vậy sẽ có nhiều nguy cơ có thể xảy ra. Việc chăm sóc sau nhổ răng cũng quan trọng không kém giai đoạn thực hiện. Một ca nhổ răng thành công là khi bệnh nhân lành thương tốt hoàn toàn, không xuất hiện các biến chứng trầm trọng nguy hiểm. Do đó, để đạt được hiệu quả lành thương tốt nhất, bạn cần có sự hiểu biết và tuân thủ theo hướng dẫn của nha sĩ. Bên cạnh đó, sự quan tâm chăm sóc của nha sĩ cũng giúp phòng ngừa được những biến chứng có thể xảy ra. Vậy chúng ta cần chăm sóc sau nhổ răng như thế nào để lành thương tốt ?

Thông thường sự lành thương sau nhổ răng diễn ra khoảng 1 tuần. Nướu che phủ hoàn toàn bình phục thì mất từ 3-4 tuần. Tuy nhiên nếu có biến chứng xảy ra thời gian lành thương sẽ kéo dài.

1.  Chăm sóc của nha sĩ sau khi thực hiện nhổ răng.

Ngay sau khi nhổ răng, để đảm bảo sự lành thương diễn ra tốt, nha sĩ sẽ thực hiện một số thao tác sau:

Sau khi nhổ, răng sẽ được chùi khô và kiểm tra kỹ chân răng còn nguyên vẹn hay bị gãy, có tổn thương quanh chóp đi kèm hay không?

Ổ răng

Được xem xét kỹ lưỡng. Dùng cây nạo hai đầu để thăm dò lỗ trống; lấy sạch các mảnh xương vụn, mảnh răng gãy còn dính lại ở vách ổ răng hoặc nướu; vôi răng và vật liệu trám đã rơi vào ổ răng nếu có

Nếu trước đó chụp phim cho thấy có tổn thương quanh chóp:

Nha sĩ sẽ lấy ra kỹ lưỡng bằng cây nạo nhỏ. Mô hạt viêm và bao nang còn sót phải được lấy ra hết. Nếu sót một phần hay toàn bộ mô bệnh có thể làm chậm liền sẹo hay phát triển một nang tồn tại.Tuy nhiên nếu không có nhiễm trùng hoặc tổn thương đã được giải phóng cùng với răng thì không cần thọc sâu cây nạo vào lỗ chân răng vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Nếu trong khi nhổ có phần xương ổ bị vỡ

Nha sĩ sẽ dùng kềm gặm các vách xương nhọn sau đó dũa nhẵn. Nha sĩ sẽ bóc tách hoàn toàn mảnh xương gãy ra khỏi niêm mạc nhằm:

Loại trừ xương bệnh, xương dư hay nhọn
Làm cho xương mau lành
Tạo nền tốt cho việc làm phục hình về sau
Nếu nhổ nhiều răng cùng lúc sẽ được điều chỉnh xương ổ đồng thời.

Nếu trước đó răng của bạn phải nhổ vì bệnh nha chu:

Nha sĩ sẽ cẩn thận nạo sạch mô hạt viêm ở viền nướu vì có chứa nhiều mạch máu nhỏ, không có hay rất ít khả năng co lại. Do đó có thể gây chảy máu kéo dài. Việc cắt bớt mô mềm như nướu bệnh hay mô dư cũng giúp mau lành thương

Tôn trọng sự chảy máu của ổ răng từ 2-3 phút.

Đó là việc tốt nhất để rửa vết thương, tẩy trừ mầm bệnh và thuốc tê đã chích.Tuy nhiên đối với những lỗ chân răng chảy máu quá nhiều, nha sĩ sẽ dùng miếng gelatin spongel, nhét vào lỗ chân răng. Nếu cần có thể khâu lại mô mềm trên lỗ chân răng để giữ miếng gelatin.

Sau khi đã kiểm tra ổ răng kỹ lưỡng, nha sĩ sẽ dùng ngón cái và ngón trỏ bóp nhẹ để các mép ổ răng được lại gần nhau.

Điều này giúp tránh tình trạng gồ xương ở mặt ngoài. Ngoài ra còn giúp cho miệng vết thương nhỏ lại, hạn chế chảy máu, cục máu đông dễ hình thành và sự liền sẹo dễ dàng.

Sau khi hoàn thành các bước kiểm tra, nha sĩ sẽ hoàn tất bằng cách cuộn một bông gòn hay gạc xếp đặt lên trên vết thương. Bảo bệnh nhân cắn chặt và giữ từ 20-30 phút. Cuộn bông gòn này ngăn nước bọt xâm nhập vào lỗ chân răng, bảo vệ vết thương. Nó cũng giúp ngưng chảy máu do tạo áp lực lên vết thương và giúp cục máu đông hình thành.

2. Một số hiện tượng, biến chứng có thể gặp sau nhổ răng và cách xử lý.

Sau khi nhổ răng xong, bạn có thể gặp một số hiện tượng sau. Do đó cần phải nắm rõ để tránh lo lắng:

Phản ứng đau:

Bạn sẽ có phản ứng đau ngay khi thuốc tê hết tác dụng, cường độ đau thay đổi theo từng người. Có người đau nhiều , có người đau ít. Cơn đau đáp ứng nhanh với thuốc giảm đau. Do đó, nên uống thuốc giảm đau càng sớm càng tốt, khi cơn đau chưa xuất hiện,

Tuy nhiên nếu cơn đau kéo dài nhiều ngày sau nhổ răng và cường độ dữ dội, nên trở lại tái khám.

Chảy máu:

Sau khi nhả gòn, máu có thể rỉ thêm trong vài giờ nữa, bạn có thể tự thay gòn khác cho đến khi máu ngưng chảy hẳn. Không súc miệng mạnh ít nhất là 6 giờ sau khi nhổ răng hoặc ngậm nước muối. Nếu máu chảy nhiều trở lại nên tái khám.

Sưng:

Có thể xảy ra ở mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc vào can thiệp và cơ địa bệnh nhân. Sưng thường không là dấu hiệu nhiễm trùng nếu không có kèm đau và sốt. Hiện tượng này thường gặp khi nhổ răng bằng phương pháp phẫu thuật. Thường biểu hiện rõ rệt vào ngày thứ 2 và 3 sau can thiệp rồi giảm dần, kèm theo đó có thể có những vết trổ màu.

Vết trổ màu:

Đó là những mảng màu xanh đen rồi chuyển sang vàng, nhạt dần và cuối cùng biến mất. Vết màu xuất hiện do máu chảy vào mô dưới niêm mạc sau thao tác nhổ răng, thường là nhổ răng tiểu phẫu.

Các triệu chứng sưng, trổ màu sẽ giảm nhanh chóng với phương pháp vật lý trị liệu: Bạn có thể thỉnh thoảng chườm lạnh vào ngày đầu tiên sau phẫu thuật, mỗi lần trong khoảng 15-20 phút . Từ ngày thứ 2 hoặc thứ 3 sau phẫu thuật nên chườm nóng lên vùng sưng ít nhất 4 lần/ngày. Chườm nóng giúp tăng tuần hoàn máu đến và kích thích quá trình loại bỏ những sản phẩm phụ của quá trình viêm.

Ăn uống:

Nếu nhổ răng dễ, có thể ăn uống bình thường. Chỉ cần tránh nhai nơi răng nhổ để khỏi làm tách rời cục máu đông và tránh thức ăn nhét vào lỗ chân răng.

Nếu nhổ răng khó: tránh nhai thức ăn khó nhai trong vài ngày, nên dùng thức ăn lỏng như cháo và uống nhiều nước. Không nên ăn thức ăn nóng.

Sốt:

Thân nhiệt sau nhổ răng tiểu phẫu thường gia tăng nhẹ từ 38-39,5 độ C vào ngày hôm sau. Hiện tượng sốt nhẹ này không đáng lo ngại, miễn là chỉ xảy ra tạm thời và không kéo dài quá ngày thứ 2. Thân nhiệt gia tăng không báo hiệu cho dấu hiệu nhiễm trùng mà chỉ là một phản ứng của cơ thể sau nhổ răng hoặc phẫu thuật. Trường hợp sốt kéo dài, nhiệt độ tăng cao, bạn nên trở lại gặp bác sĩ ngay vì đây là dấu hiệu nhiễm trùng.
Bạn nên theo dõi thân nhiệt và uống thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như Paracetamol sau nhổ răng tiểu phẫu.

Nghỉ ngơi:

Trong những trường hợp nhổ răng khó, bạn có thể mệt vào ngày hôm sau can thiệp. Nên nghỉ ngơi hoàn toàn trong vòng 24 giờ sau nhổ răng.

3. Hướng dẫn cách chăm sóc sau nhổ răng

Chăm sóc sau nhổ răng thông thường:

Cắn chặt gòn trong vòng 30 phút
Không đẩy lưỡi hay đưa các dụng cụ vào vết thương, không khạc nhổ liên tục. Không súc miệng với nước muối ít nhất 6 giờ sau nhổ răng.
Ăn uống bình thường, khi hết thuốc tê nên dùng thức ăn lạnh
Không hút thuốc, uống rượu sau khi nhổ ( nên ngưng ít nhất 48 giờ sau nhổ răng , các hóa chất trong thuốc lá và rượu có thể ảnh hưởng đến cục máu đông và có thể gây ra viêm ổ răng khô)
Uống thuốc theo toa của bác sĩ
Tái khám ngay sau khi có dấu hiệu bất thường như chảy máu nhiều và sưng lớn.

Chăm sóc sau nhổ răng phẫu thuật:

Diễn tiến bình thường sau mổ:

Có thể đau sau phẫu thuật, rỉ máu nhẹ tại vết thương trong vòng vài giờ sau mổ.
Thường có sưng, vết bầm và khó há miệng trong vài ngày sau mổ

Những điều cần chú ý:

Cắn chặt gòn trong vòng 30 phút
Không đẩy lưỡi hay đưa các dụng cụ vào vết thương, không khạc nhổ liên tục. Không súc miệng với nước muối trong vòng 8 giờ sau nhổ răng. Đánh răng và súc miệng nhẹ vào ngày hôm sau
Ăn uống bình thường khi hết thuốc tê. Nên dùng thức ăn lạnh, lỏng, mềm trong ngày đầu sau can thiệp. Tránh nhai mạnh tại vùng mổ.
Ngày đầu đắp nước đá ngoài má hay môi. Các ngày sau đắp khăn cho tan máu tụ.
Không hút thuốc, uống rượu sau mổ, không chùi màng trắng nơi vết may.
Uống thuốc theo toa của bác sĩ.
Một tuần quay trở lại tái khám và cắt chỉ ( nếu dùng chỉ không tiêu)
Tái khám ngay sau khi có dấu hiệu bất thường như chảy máu nhiều và sưng lớn.

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TTH HÀ TĨNH

💙Vì sức khỏe và nụ cười của bạn💙

📞 0911 92 91 92

🏥 Số 01 đường Ngô Quyền, TP. Hà Tĩnh

Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí!

07-07-2022 Tác giả: Admin