Tập đoàn TTHGroup | 0911 92 91 92 Đặt lịch

Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em: dấu hiệu và hướng điều trị

1. Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra và muỗi vằn Aedes Aegypti là vật chủ lây truyền virus Dengue. Virus Dengue xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết muỗi đốt từ những muỗi cái mang mầm bệnh. Sau thời gian ủ bệnh 4–10 ngày, muỗi mang virus có thể lây lan virus cho người trong suốt quãng đời còn lại của nó.

2. Triệu chứng, biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ em

Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau và diễn biến phức tạp. Sự khởi phát của bệnh thường khá đột ngột và diễn biến bệnh nhanh chóng từ nhẹ đến nặng qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. 

Với từng giai đoạn cụ thể, các dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em sẽ có sự khác nhau nhất định: 

2.1. Giai đoạn sốt

Đây chính là giai đoạn đầu tiên khi bệnh bắt đầu khởi phát. Ở giai đoạn này, trẻ nhiễm bệnh sẽ gặp hiện tượng trán nóng ran, sốt cao (từ 39 - 40 độ C) trong 2 - 5 ngày đầu. 

                                              Hầu hết trẻ đều sốt trong giai đoạn đầu bị sốt xuất huyết

Một số dấu hiệu khác cũng cần được lưu ý như:

- Sốt cao không có dấu hiệu thuyên giảm mặc dù đã dùng thuốc hạ sốt.

- Đau đầu, đau nhức cơ, chán ăn, mệt mỏi, ho, hắt hơi, sổ mũi.

- Xuất huyết dưới da: chảy máu mũi, chảy máu chân răng hoặc nổi phát ban, nổi mẩn trên da.

2.2 Giai đoạn nguy hiểm

Vào ngày thứ 3 - 7 của quá trình nhiễm bệnh được xem là giai đoạn nguy hiểm hơn cả. Người bệnh lúc này có thể đã hạ sốt, tuy nhiên lại bắt đầu có dấu hiệu tăng tính thấm thành mạch gây ra các biểu hiện thoát huyết tương (Lượng huyết tương trong máu thoát ra ồ ạt khiến bụng bị chướng to, thường kéo dài trong 24 - 48 giờ, nguy cơ dẫn đến tử vong ở các bệnh nhi sốt xuất huyết).

Các triệu chứng nghiêm trọng khác có thể gặp phải khi mắc bệnh sốt xuất huyết như: nề mi mắt, sưng đau gan, tràn dịch màng bụng, màng phổi hay mô kẽ.

Các biểu hiện sốc có thể xuất hiện khi người bệnh bị thoát huyết tương, bao gồm:

- Bứt rứt, vật vã, lờ đờ, mệt mỏi.

- Da lạnh ẩm, đầu chi lạnh.

- Mạch nhanh nhỏ.

- Huyết áp kẹt hoặc huyết áp tâm trương tăng/ tâm thu giảm.

- Tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp người bệnh.

- Ít đi tiểu.

- Xuất huyết nhiều dưới da hoặc xuất huyết nội tạng. 

- Đau bụng.

- Hay khát nước.

- Chướng bụng do thoát huyết tương.

Ở giai đoạn nguy hiểm này, xét nghiệm máu thấy lượng tiểu cầu giảm mạnh chỉ còn dưới 100.000/mm3, trường hợp nặng bé có thể bị rối loạn đông máu, vô cùng nguy kịch.

1.3. Giai đoạn phục hồi

Sau giai đoạn nguy hiểm chừng 48 - 72 giờ là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn. Khi xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường, nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.

3. Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

3.1. Những việc nên làm

Để có thể giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh, phục hồi sức khỏe, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng, cha mẹ cần lưu ý thực hiện những điều sau:

- Hạ sốt cho trẻ đúng cách

Khi thấy trẻ sốt cao (trên >38.5 độ C) mẹ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol (liều chỉ định 10 - 15mg/kg). Nếu sau 4 - 6 giờ vẫn sốt thì tiếp tục cho trẻ uống. 

Bên cạnh việc dùng thuốc thì cha mẹ cũng cần thường xuyên giúp trẻ hạ nhiệt cơ thể bằng cách chườm khăn ấm ở trán, nách bẹn. Điều này giúp tránh tình trạng sốt cao gây co giật rất nguy hiểm.

- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý

Trẻ khi bị sốt xuất huyết cơ thể mệt mỏi nên thường sẽ chán ăn. Vì vậy, tốt nhất mẹ nên cho con ăn những món yêu thích nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ hàm lượng dinh dưỡng cần thiết. Có thể chia thành các bữa ăn nhỏ để trẻ dễ ăn hơn. 

- Tăng cường bổ sung nước

Mất nước là điều khó tránh khỏi khi trẻ bị sốt xuất huyết thường xuyên trong tình trạng thân nhiệt cao. Do đó, trẻ cần được bổ sung thêm nước, có thể cho trẻ uống nước trái cây, nước lọc hoặc dung dịch oresol bù điện giải đều được. 

                                                 Tăng cường bổ sung nước hoặc dung dịch oresol cho trẻ tránh mất nước

3.2. Những việc không nên làm

Ngoài những lời khuyên kể trên, cũng có một số điều cha mẹ cần tuyệt đối tránh thực hiện khi trẻ bị sốt xuất huyết:

- Không tùy tiện sử dụng thuốc Aspirin hay Ibuprofen cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì có thể gây ra xuất huyết dạ dày. 

- Không cạo gió, cắt lể gây nhiễm trùng.

- Không để trẻ ăn các loại thực phẩm có màu đen/ đỏ để tránh gây nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa. 

- Không tùy tiện truyền dịch cho trẻ tại nhà.

4. Cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

 Việt Nam vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Biện pháp phòng bệnh đang được áp dụng là chủ động kiểm soát các loại côn trùng trung gian truyền bệnh, như diệt bọ gậy (lăng quăng), tiêu diệt muỗi trưởng thành, tránh để muỗi đốt, vệ sinh môi trường sống, loại bỏ các ổ chứa nước lắng đọng. Hãy thực hiện những điều sau đây để bảo vệ sức khỏe của bé yêu, phòng chống căn bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm.

Cha mẹ có thể loại bỏ nơi sinh sống và sinh sản của muỗi, tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

  • Đậy kín các dụng cụ có chứa nước, để muỗi không thể vào đẻ trứng;
  • Thả cá vào các dụng cụ đựng nước dung tích lớn (bể, giếng, chum, vại...) để cá ăn hết lăng quăng/bọ gậy nếu có. Các loại cá nên lựa chọn là cá bảy màu, cá sóc, cá rô phi, cá chép, cá lê Argentina,...
  • Vệ sinh tất cả các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp...) hàng tuần;
  • Thu gom, vứt bỏ các vật dụng, phế liệu trong nhà và xung quanh nhà, chẳng hạn như chai, lọ, mảnh vỡ vỏ chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ quả dừa, lốp xe, vỏ xe cũ, hốc tre,...
  • Vệ sinh môi trường sinh sống, lật úp các vật dụng chứa nước khi chưa dùng đến;
  • Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

Cách phòng chống muỗi đốt cho trẻ:

  • Cho trẻ mặc quần áo dài tay;
  • Ngủ trong màn, giăng mùng, kéo rèm (kể cả ban ngày);
  • Sử dụng bình xịt diệt muỗi, nhang hương chống muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi,...

Có thể thấy, tâm lý hoang mang lo lắng của cha mẹ khi gặp phải bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là xuất phát từ việc không hiểu rõ về loại bệnh này cùng với đó là hay nhầm lẫn với các bệnh cảm, ốm thông thường khác.

Chủ động liên hệ với Bệnh viện đa khoa TTH Hà Tĩnh qua hotline  0911 92 91 92 để được giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến việc chăm sóc và điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, tránh để bệnh diễn biến nặng và gây ra những biến chứng nguy hiểm. 

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TTH HÀ TĨNH

💙Vì sức khỏe và nụ cười của bạn💙

📞 0911 92 91 92 

🏥 Số 01 đường Ngô Quyền, TP. Hà Tĩnh

04-05-2021 Tác giả: admin1