Tập đoàn TTHGroup | 0911 92 91 92 Đặt lịch

Bệnh táo bón và các biện pháp hỗ trợ điều trị

1.Táo bón là gì?

Táo bón được định nghĩa là số lần đi tiêu ít hơn 3 lần mỗi tuần. Tiêu chí Rome định nghĩa chi tiết hơn về táo bón, người bệnh có ít nhất 2 trong các triệu chứng sau đây: Đi tiêu ít hơn 3 lần mỗi tuần, khó khăn trong đại tiện, phân cứng, cảm giác tắc nghẽn hậu môn trực tràng, cảm giác đi tiêu không hết, phải dùng tay hỗ trợ trong lúc đại tiên (Ví dụ một số người bệnh phải dùng tay moi phân hay đè ép thành bụng trong lúc đại tiện).

2.Biểu hiện bệnh

Các biểu hiện của táo bón mạn tính, kéo dài thường bao gồm:

✔️Táo bón trên 12 tuần/năm trước đó, mặc dù có thể không liên tục.

✔️Biểu hiện rõ rệt nhất là tần số đi ngoài ít hơn 3 lần/ tuần và giảm tùy theo mức độ nghiêm trọng của táo bón. Mỗi lần đi ngoài rất khó khăn, phải rặn nhiều và đặc biệt là phải vận động các cơ bụng và cơ hoành nhiều. Tình trạng này kéo dài trong thời gian từ vài tháng đến vài năm (ở những người táo bón mạn tính).

✔️Phân rắn, lổn nhổn thành từng cục giống như cục phân dê. Thậm chí mỗi lần đi ngoài phải có sự hỗ trợ từ bên ngoài.

✔️Có thể có tình trạng đi ngoài ra máu tươi trước hoặc sau khi ra phân do do khi rặn quá mức dẫn đến niêm mạc hậu môn bị xây xát. Ngoài máu ra, phân có thể lẫn thêm cả chất nhầy.

✔️Táo bón kéo dài lâu ngày sẽ dẫn đến hậu môn liên tục bị tổn thương, dễ dàng dẫn đến trĩ nội, trĩ ngoại hay những bệnh trực tràng khác khó chữa trị.

✔️Đau bụng với nhiều mức độ khác nhau, có trường hợp đau bụng dữ dội, kèm theo chướng hơi, đầy bụng.

✔️Bạn luôn có cảm giác phải tác động từ bên ngoài để giúp đi đại tiện dễ dàng hơn. Do đó sẽ thường xoa bụng hoặc ấn nhẹ vào bụng mỗi lần đi ngoài. Để có thể phát hiện chính xác những biểu hiện của táo bón kéo dài, mỗi chúng ta cần phải chú ý quan sát đến tần số đi ngoài cũng như đặc điểm của phân và những bất thường khác, từ đó mới có phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả.

3.Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến táo bón, nhưng nó có thể được chia thành hai nhóm chính: Táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát.

Nhóm nguyên nhân táo bón nguyên phát:

Được chia thành ba loại sau: Táo bón vận động ruột bình thường, táo bón vận động ruột chậm và rối loạn chức năng sàn chậu.

- Táo bón vận động ruột bình thường là loại phổ biến nhất của nhóm táo bón nguyên phát. Mặc dù phân đi qua đại tràng với tốc độ bình thường, nhưng người bệnh cảm thấy khó khăn trong đại tiện.

- Táo bón vận động ruột chậm được đặc trưng bởi giảm hoạt động vận động đại tràng, nó xảy ra phổ biến hơn ở người bệnh nữ. Người bệnh có thể có chướng bụng nhẹ hoặc sờ thấy phân trong đại tràng sigma.

- Rối loạn chức năng sàn chậu: Người bệnh thường than phiền thời gian đại tiện kéo dài, cảm giác đi tiêu không hết hoặc phải sử dụng áp lực đè vào sàn chậu trong khi đại tiện để cho phân thoát ra.

Nhóm nguyên nhân táo bón thứ phát:

- Do chế độ sinh hoạt và ăn uống không hợp lý bao gồm:

+ Uống không đủ nước (làm phân khô cứng);

+ Lượng chất xơ ăn vào không đủ (chất xơ có nhiều trong ngũ cốc, trái cây và rau quả);

+ Uống nhiều cà phê, trà hoặc rượu (những chất này có tác dụng lợi tiểu, làm người bệnh đi tiểu nhiều dẫn đến mất nước tương đối, gây ra sự tăng hấp thụ nước từ ruột và điều này làm phân cứng hơn và gây ra táo bón);

+ Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo động vật (kể cả các sản phẩm từ sữa, thịt và trứng), đường tinh luyện;

+ Bỏ qua cảm giác muốn đi tiêu, nhịn đi tiêu (có nghĩa là khi có cảm giác mắc đi tiêu nhưng người bệnh bỏ qua, có thể là do họ ngại sử dụng nhà vệ sinh công cộng hay do bận rộn)…Nếu điều này xảy ra kéo dài, sau một thời gian, người bệnh có thể mất cảm giác muốn đi tiêu và gây ra táo bón;

+ Ít vận động cũng có thể gây ra táo bón.

- Nguyên nhân cấu trúc bao gồm: nứt hậu môn, trĩ huyết khối, khối u gây tắc nghẽn ống tiêu hóa, to trực tràng vô căn.

- Các nguyên nhân toàn thân gồm: tăng calci máu, cường cận giáp, hạ kali máu, suy giáp, mang thai.

Táo bón là triệu chứng phổ biến khi mang thai có thể do một số yếu tố như: Áp lực cơ học của tử cung đè lên ruột, thay đổi nội tiết tố khi mang thai làm chậm vận động ruột, thay đổi chế độ ăn, vết nứt hậu môn, trĩ, uống thuốc sắt trong khi mang thai.

- Rối loạn thần kinh: đột quỵ, bệnh Hirschsprung, bệnh Parkinson, tổn thương tủy sống, chấn thương đầu.

- Các bệnh mô liên kết: xơ cứng bì, lupus.

- Một số loại thuốc có thể gây táo bón phổ biến bao gồm: Thuốc chống trầm cảm, kim loại, thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng axit (ví dụ hợp chất nhôm và canxi), thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh canxi (ví dụ verapamil), thuốc chống viêm không steroid (ví dụ ibuprofen và diclofenac), thuốc có chứa chất gây nghiện (ví dụ codein và morphin), nhiều loại thuốc hướng tâm thần, thuốc chống co giật…

- Các vấn đề tâm lý (ví dụ trầm cảm, lo lắng) cũng có thể góp phần vào sự phát triển của táo bón.

- Người lớn tuổi dễ bị táo bón vì những lý do sau: chế độ ăn uống kém và uống không đủ nước, ít tập thể dục, tác dụng phụ của các loại thuốc, thói quen đi cầu kém.

4. Cách phòng tránh táo bón?

Chúng ta cần lưu ý một số điều sau đây:

✔️ Ăn chế độ ăn nhiều chất xơ. Nguồn chất xơ tốt là trái cây, rau, các loại đậu, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt.

✔️ Uống 1,5 đến 2 lít nước và các chất lỏng khác mỗi ngày.

✔️Tránh các chất chứa caffeine.

✔️Giảm các chất béo động vật (kể cả các sản phẩm từ sữa, trứng).

✔️ Đi tiêu khi có nhu cầu, cảm giác muốn đi.

✔️ Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần.

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TTH HÀ TĨNH

💙Vì sức khỏe và nụ cười của bạn💙

📞 0911. 92.91.92

🏥 Số 01 đường Ngô Quyền, TP. Hà Tĩnh

Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí!

29-06-2021 Tác giả: admin1