Sinh con ở tuần 38 có phải sinh non không?
Người mẹ nào cũng muốn con mình được sinh ra đủ ngày, đủ tháng và phát triển đúng chuẩn. Tuy nhiên, khi có những dấu hiệu sắp sinh ở tuần 38 làm không ít bà mẹ lo lắng. Vậy sinh con ở tuần 38 có sao không? Có được xem là sinh non và trẻ gặp phải nguy hiểm gì không? Hãy cùng TTH Hà Tĩnh tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
1. Mang thai ở tuần thứ 38
Khi mang thai tuần 38, kích thước vòng bụng của thai phụ sẽ không tăng thêm, tuy nhiên sự khó chịu sẽ tăng hơn nhiều so với các tuần trước đó vì từ tuần 38 trở đi là giai đoạn nhạy cảm, mẹ bầu có thể sinh con bất kỳ lúc nào trong giai đoạn này.
Thai nhi ở tuần 38 đã không còn phần tóc, lông tơ, lớp sáp và lớp phủ trắng trên da nữa, bé nhận được tối đa kháng thể từ mẹ để tự bảo vệ cơ thể, chống lại bệnh tật.
Ở giai đoạn này, sự phát triển của thai nhi khá chậm nhưng các tế bào mỡ dưới da vẫn tiếp tục được hình thành. Thai nhi gần như đã sẵn sàng chào đời.
2.Các dấu hiệu chuyển dạ ở tuần 38
Dưới đây là những dấu hiệu chuyển dạ mà mẹ bầu có thể tự nhận biết:
✔️ Bụng tụt và sa xuống dưới: Vài tuần trước khi sinh, thai nhi có xu hướng dịch chuyển xuống phía dưới trong khung xương chậu, riêng với những thai phụ sinh con lần 2 thì các dấu hiệu này có thể mơ hồ và chỉ cảm nhận được dấu hiệu chuyển dạ khi cuộc vượt cạn thực sự bắt đầu;
✔️ Cổ tử cung bắt đầu mở: Khi có dấu hiệu chuyển dạ ở tuần 38, tử cung sẽ mở rộng dần và trở nên mỏng hơn. Vì thai kỳ của mỗi mẹ bầu khác nhau nên tốc độ mở cổ tử cung cũng sẽ diễn ra khác nhau;
✔️ Chuột rút và đau lưng diễn ra nhiều hơn: Một trong những dấu hiệu chuyển dạ ở tuần 38 mà mẹ bầu thường đó là hiện tượng chuột rút, đau xương mu, háng và lưng nhiều hơn. Hiện tượng này thường diễn ra ở những người sinh con lần đầu. Nguyên nhân là do các cơ khớp ở vùng xương chậu và tử cung bị kéo căng nhằm chuẩn bị cho thai nhi chào đời;
✔️ Hiện tượng tiêu chảy: Tiêu chảy cũng được xem là dấu hiệu chuyển dạ ở tuần 38 mà mẹ bầu cần lưu ý. Nguyên nhân tiêu chảy là do các cơ trong tử cung bị dãn ra và chuẩn bị cho quá trình sinh nở khiến cho toàn bộ cơ thể của mẹ bầu thay đổi, trong đó có trực tràng. Việc bị tiêu chảy sẽ khiến mẹ bầu trở nên mệt mỏi và khó chịu nhưng điều này là hoàn toàn bình thường, bạn hãy uống nhiều nước, hạn chế những thực phẩm khó tiêu và không nên ăn quá no;
✔️ Cân nặng ngừng tăng: Vào cuối thai kỳ, cân nặng của thai phụ có xu hướng chững lại hoặc có trường hợp bị sụt cân. Điều này được xem là bình thường, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ và bé. Nguyên nhân sụt cân ở mẹ bầu trong thời gian này là do lượng nước ối giảm xuống;
✔️ Màu sắc dịch nhầy âm đạo thay đổi và xuất hiện máu báo: Khoảng vài ngày trước sinh, mẹ bầu sẽ thấy dịch nhầy âm đạo thay đổi và tiết ra nhiều hơn. Nguyên nhân là do nút nhầy có tác dụng bịt kín cổ tử cung để ngăn ngừa viêm nhiễm đã bị bong. Một số trường hợp nút nhầy bong ra cùng với một chút máu. Dấu hiệu này được gọi là hiện tượng “máu báo” và nó là tín hiệu cho biết cuộc vượt cạn của bạn sắp bắt đầu;
✔️ Xuất hiện các cơn co thắt mạnh và liên tục: Khi chuẩn bị chuyển dạ, các cơn co thắt tử cung là dấu hiệu rõ ràng để nhận biết nhất. Những cơn co tử cung chuyển dạ sẽ khiến bạn thấy đau, khó chịu, không có dấu hiệu thuyên giảm hay biến mất khi thay đổi tư thế và tần suất co sẽ dồn dập, đều đặn cách nhau khoảng 5-7 phút;
✔️ Vỡ nước ối: Vỡ ối xảy ra khi túi ối bị vỡ và khiến cho dịch ối chảy ra từ âm đạo. Đây là một trong những dấu hiệu sắp sinh chính xác mà mẹ bầu cần lưu ý. Khi có hiện tượng vỡ ối mẹ bầu cần tới cơ sở y tế để chuẩn bị cho cuộc hành trình vượt cạn đón bé yêu của mình.
3. Lưu ý khi mang thai ở tuần 38
Khi hành trình mang thai đã diễn ra được 38 tuần, mẹ bầu nên:
♦ Chuẩn bị đồ dùng đi sinh: Khi mang thai ở tuần 38, mẹ bầu có thể xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ bất cứ lúc nào nên cần phải chuẩn bị đầy đủ những vật dụng cần thiết trong và sau khi vượt cạn;
♦ Đi bộ: Quá trình mang thai, mẹ bầu không nên nằm một chỗ trong thời gian dài mà cần đi bộ vận động cơ thể nhẹ nhàng. Đi bộ là cách vận động giúp đầu em bé chui vào vùng xương chậu dễ dàng cũng như thuận lợi hơn cho quá trình vượt cạn thành công;
♦ Giảm căng thẳng: Khi mang thai tuần 38 đồng nghĩa với ngày dự sinh đã gần kề nên mẹ bầu thường hay suy nghĩ, lo lắng và hồi hộp. Để giảm căng thẳng ở những tuần cuối thai kỳ, mẹ bầu nên tập các bài thể dục thư giãn, tập thở, nghe nhạc, xem phim, đọc những quyển sách yêu thích...
♦ Mặc quần áo rộng, thoáng mát: Mang thai khiến mẹ bầu cảm thấy nóng bức và đổ nhiều mồ hôi do sự thay đổi nội tiết tố. Để làm mát cơ thể, mẹ bầu nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát và uống nhiều nước, sinh hoạt trong không gian thoáng đãng.
♦ Ở thời điểm này, mẹ cần lưu ý thăm khám thường xuyên để bác sĩ sản khoa xác định thời điểm sinh chính xác và lựa chọn cũng như tư vấn phương pháp sinh phù hợp. Khi có những dấu hiệu chuyển dạ, mẹ bầu hãy tới bệnh viện, chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái, sẵn sàng và những vật dụng, đồ dùng cần thiết cho quá trình sinh nở của mình
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Mẹ bầu cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TTH HÀ TĨNH
💙Vì sức khỏe và nụ cười của bạn💙
📞 0911 92 91 92
🏥 Số 01 đường Ngô Quyền, TP. Hà Tĩnh