NHỮNG DẠNG THUỐC KHÔNG ĐƯỢC NHAI, NGHIỀN, BẺ NHỎ
Có rất nhiều dạng thuốc viên không nên nhai hoặc nghiền, bẻ nhỏ. Bởi vì việc này sẽ phá vỡ cấu trúc giải phóng thuốc, làm thay đổi dược động học của thuốc (hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ của thuốc) và có thể dẫn đến mất hoặc giảm hiệu quả điều trị hoặc xảy ra độc tính cho người bệnh.
1.Dạng bào chế phóng thích biến đổi (Modified release dosage)
Là dạng bào chế sử dụng một số tá dược và/ hoặc kỹ thuật bào chế khác với dạng bào chế quy ước nhằm tạo ra tốc độ phóng thích dược chất khác với dạng bào chế quy ước. Các dạng bào chế này bao gồm thuốc phóng thích có kiểm soát, phóng thích kéo dài, phóng thích chậm... nhằm duy trì nồng độ thuốc trong máu ở khoảng điều trị trong một thời gian nhất định dẫn đến tác dụng kéo dài thời gian tác động, giảm số lần dùng thuốc, tăng độ an toàn và nâng cao hiệu quả điều trị của thuốc.
Nhai, bẻ hay nghiền một chế phẩm phóng thích kéo dài có thể làm thay đổi các đặc tính giải phóng thuốc, dẫn đến thuốc có thể hấp thu một lượng lớn ngoài ý muốn thay vì phóng thích có kiểm soát trong khoảng thời gian dự định. Hậu quả là dẫn đến quá liều thuốc và không duy trì đủ lượng thuốc phân phối đến đích tác động trong khoảng thời gian giữa các liều.
Các trường hợp đã được báo cáo trước đó có nifedipine dạng phóng thích kéo dài bị nghiền nát dẫn đến hạ huyết áp và nhịp tim nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến ngừng tim gây tử vong. Nhai viên ditiazem dạng giải phóng duy trì được báo cáo gây nhịp tim chậm (nhịp tim rất chậm). Viên nén giải phóng kéo dài oxycodone (một opioid mạnh) để cung cấp thuốc từ từ trong vòng 12 giờ, việc nghiền viên thuốc đã phá hủy các đặc tính giải phóng kéo dài của thuốc và dẫn đến hấp thu nhanh toàn bộ liều cho 12 giờ, làm tăng tình trạng ức chế thần kinh trung ương và suy hô hấp.
Có thể nhận biết các thuốc dạng bào chế phóng thích biến đổi bằng cách để ý các ký hiệu trên viên thuốc hoặc trên nhãn của nhà sản xuất.
Bảng 1. Kí hiệu nhận biết thuốc phóng thích biến đổi
2.Thuốc bao tan trong ruột
Là dạng bào chế để thuốc đi qua dạ dày còn nguyên vẹn nhưng hòa tan và giải phóng dược chất trong pH kiềm ở ruột non. Lớp bao tan trong ruột của dạng bào chế này nhằm mục đích trì hoãn giải phóng hoạt chất có thể bị bất hoạt bởi các thành phần trong dạ dày như erythromycin; omeprazole... hoặc để ngăn ngừa kích ứng dạ dày như aspirin; diclofenac; naproxen; corticosteroid... hoặc để trì hoãn sự khởi phát tác động tại một vị trí cụ thể trong đường tiêu hóa (sulfasalazine trong điều trị Bệnh Crohn).
Nghiền viên nén bao tan trong ruột có thể dẫn đến việc thuốc được giải phóng quá sớm, bị phá hủy bởi axit dạ dày, hoặc kích thích niêm mạc dạ dày. Có thể xác định các loại thuốc dạng bao tan trong ruột bằng cách nhìn vào các ký hiệu nhận dạng các dạng bào chế thuốc như EC (enteric - coated).
3.Thuốc đặt dưới lưỡi
Thuốc dạng đặt dưới lưỡi giải phóng dược chất nhanh chóng và được hấp thu trực tiếp vào máu thông qua các mạch máu dưới lưỡi mà không cần trải qua quá trình chuyển hóa ở gan. Nghiền các loại thuốc ngậm dưới lưỡi có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và tác dụng của các loại thuốc này. Ví dụ: viên ngậm dưới lưỡi glyceryl trinitrate trong điều trị cơn đau thắt ngực, nifedipin điều trị cơn tăng huyết áp...được các nhà sản xuất khuyến cáo không được nghiền, nhai nát viên.
4. Thuốc chứa dược chất có nguy cơ gây hại cho người tiếp xúc
Là thuốc điều trị ung thư, thuốc gây độc tế bào, thuốc ức chế miễn dịch. Việc nhai hoặc nghiền các thuốc này có thể không ảnh hưởng đến dược động học của thuốc nhưng sẽ tạo ra các hạt phân tử có khả năng gây hại cho người thao tác do hít phải các phân tử này.
5. Thuốc chứa hoạt chất có khoảng điều trị hẹp
Việc chia nhỏ hoặc nghiền các dạng bào chế thuốc có thể tạo ra những thay đổi về dược động học và sinh khả dụng của thuốc, dẫn đến dùng quá liều hoặc tác dụng không mong muốn. Những thay đổi như vậy đặc biệt quan trọng đối với các loại thuốc có cửa sổ trị liệu hẹp, ví dụ: phenytoin, digoxin, carbamazepine, theophylline, natri valproate, thuốc chống đông máu...
6. Thuốc viên sủi
Đây là loại thuốc cần được làm tan hoàn toàn trong nước trước khi đưa vào cơ thể. Thuốc dạng sủi là dạng phải giữ nguyên viên, tránh ẩm tốt để giữ nguyên hoạt chất và chỉ uống sau khi hòa tan. Không được bẻ nhỏ viên sủi hoặc bỏ nguyên viên vào miệng uống, sẽ rất hại cho đường tiêu hóa và khi không đủ nước để tan, thuốc không thể phát huy hết tác dụng.
7. Thuốc chứa dược chất rất đắng, có mùi vị khó chịu
Dạng bào chế bao đường hoặc bao phim giúp che giấu hương vị của các loại thuốc có mùi vị khó chịu. Việc nghiền viên nén bao phim hoặc bao đường có thể không ảnh hưởng đến tính trạng phóng thích thuốc nhưng có thể gây ra mùi vị khó chịu, ảnh hưởng đáng kể đến sự tuân thủ thuốc của người bệnh.
Dưới đây là danh mục các thuốc không nhai, bẻ, nghiền tại khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa TTH Hà Tĩnh.
DANH MỤC THUỐC KHÔNG NHAI, BẺ, NGHIỀN KHI UỐNG
TẠI KHOA DƯỢC - BỆNH VIỆN ĐA KHOA TTH HÀ TĨNH
(Cập nhật theo danh mục thuốc bệnh viện đến ngày 14/02/2023)
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TTH HÀ TĨNH
💙Vì sức khỏe và nụ cười của bạn💙
📞 0911 92 91 92
🏥 Số 01 đường Ngô Quyền, TP. Hà Tĩnh