GÃY THÂN XƯƠNG ĐÒN Ở NGƯỜI LỚN: BẢO TỒN HAY PHẪU THUẬT!
Xương đòn còn được gọi xương quai xanh là một xương nằm dài nằm ngay dưới da vùng vai, nối giữa xương ức và hệ thống đai vai - cánh tay, có tác dụng như một thanh chống, giằng giữa thân mình và khớp vai, cho phép khớp vai hoạt động với cường độ tối ưu. Xương đòn cũng có chức năng bảo vệ các cấu trúc quan trọng phía dưới như bó mạch dưới đòn, đám rối cánh tay, phổi,…
1. Gãy xương đòn là gì?
Gãy xương đòn (gãy xương quai xanh) là tổn thương mất liên tục tại xương đòn sau một tai nạn thể thao, sinh hoạt hoặc tai nạn giao thông.
Gãy xương đòn chiếm khoảng 2,6% trong tất cả các trường hợp gãy xương. Đối tượng có nguy cơ cao gãy xương đòn là trẻ em và người trẻ tuổi, những người thường xuyên có các hoạt động mạnh với cường độ cao.
2. Phân loại gãy xương đòn
Phân loại gãy xương đòn theo Allman được sử dụng phổ biến nhất dựa theo vị trí gãy trên xương đòn:
• Nhóm 1: Gãy thân xương đòn.
• Nhóm 2: Gãy đầu ngoài xương đòn.
• Nhóm 3: Gãy đầu trong xương đòn.
Theo đó, có tới gần 70% các trường hợp gãy tại thân xương đòn, gần 30% gãy tại đầu ngoài xương đòn và khoảng 2-3% gãy tại đầu trong xương đòn
3. Phương pháp điều trị gãy thân xương đòn
- Điều trị không phẫu thuật: chỉ định cho gãy xương ở trẻ em hoặc gãy thân xương đòn ở người lớn ít di lệch. Thời gian bất động là 4-6 tuần tùy từng bệnh nhân.
Có tới hơn 200 phương pháp bất động đã được giới thiệu. Hiện nay chủ yếu vẫn là:
+ Đeo đai số 8: Đai vòng quay 2 vai, không bất động khuỷu tay, cổ tay nên bệnh nhân có thể tập chủ động được sớm. Tuy nhiên đai phải được thường xuyên điều chỉnh để giữ chặt và duy trì vai ở tư thế thẳng, ưỡn ngực. Đai bất động số 8 nên được chỉ định ở các bệnh nhân gãy hoàn toàn di lệch chồng ngắn mà từ chối phẫu thuật, điều này giúp điều chỉnh và ngăn ngừa di lệch chồng.
+ Túi treo tay: Giúp bệnh nhân thoải mái hơn, tuy nhiên bệnh nhân phải được hướng dẫn tập khuỷu tay và cổ tay sớm.
Theo các nghiên cứu so sánh kết quả giữa 2 phương pháp bất động thì không có sự khác biệt về thời gian lành xương, biến chứng và chức năng. Cho nên bệnh nhân thường có thể lựa chọn 1 trong 2 phương pháp bất động.
- Điều trị phẫu thuật gãy thân xương đòn
Trước đây gãy thân xương đòn chủ yếu điều trị bảo tồn vì xương đòn có màng xương dày nên dễ lành xương. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu gần đây cho thấy gãy thân xương đòn di lệch hoàn toàn khi điều trị bảo tồn thì có tới 15 - 20 % bệnh nhân không lành xương, còn những trường trường hợp lành xương thì thường can lệch gây ảnh hưởng tới chức năng và thẩm mỹ.
4. Các chỉ định phẫu thuật gãy xương đòn
Các chỉ định phẫu thuật gãy xương đòn bao gồm:
• Gãy di lệch > 2 cm
• Chồng ngắn > 2 cm
• Gãy nhiều hơn 3 mảnh rời
• Gãy 2 đoạn, gãy hở
• Ổ gãy dọa đâm thủng da, hay dọa đâm vào bó mạch dưới đòn.
• Chèn ép bó mạch, đám rối thần kinh (hiếm gặp).
• Gãy nhiều xương: mổ để phục hồi chức năng sớm.
• Bệnh nhân có nhu cầu phẫu thuật để quay trở lại vận động sinh hoạt sớm.
Phẫu thuật điều trị gãy thân xương đòn là kết hợp xương bằng đinh nội tủy hoặc nẹp vít. Tại Bệnh viện ĐK TTH Hà Tĩnh, phẫu thuật kết hợp xương đòn là phẫu thuật thường quy, đối với gãy ngang, không có mảnh rời có thể đóng đinh Metaizeau nội tủy. Còn đối với trường hợp gãy xương phức tạp, gãy có mảnh rời hoặc chất lượng xương kém thì kết hợp xương bằng nẹp xương đòn.
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TTH HÀ TĨNH
💙Vì sức khỏe và nụ cười của bạn💙
📞 0911 92 91 92
🏥 Số 01 đường Ngô Quyền, TP. Hà Tĩnh