Cảnh giác với suy tim hậu Covid-19
Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, nhiều người vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, trong số đó có tình trạng suy tim. Tại sao suy tim có thể xảy ra ở những người đã từng mắc Covid và làm thế nào để phòng tránh suy tim hậu Covid-19? Hãy cùng TTH Hà Tĩnh tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây:
1. Người đã từng mắc Covid-19 có nguy cơ cao bị suy tim
Không chỉ trong quá trình mắc bệnh mà sau khi khỏi Covid-19, không ít người gặp phải tình trạng tim đập nhanh, mệt mỏi, khó thở… Đây có thể là những triệu chứng liên quan đến di chứng tim mạch hậu Covid-19.
Những người từng nhiễm Covid-19 có nguy cơ bị suy tim, đột quỵ cao. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Natura Medicine của Mỹ cho thấy nhóm nhiễm Covid-19 có nguy cơ nguy cơ suy tim tăng 72% so với nhóm không mắc bệnh.
Người bệnh có thể gặp nhiều tổn thương tim mạch gây suy tim sau khi mắc covid-19
2. Tại sao những người mắc Covid-19 dễ bị suy tim?
✔️ Virus SARs-CoV-2 tấn công chủ yếu vào phổi, gây ảnh hưởng đến quá trình lọc máu, tạo máu giàu oxy ở phổi. Do phổi không thể thực hiện được chức năng trao đổi oxy nên tim phải tiếp nhận và lưu chuyển dòng máu nghèo oxy đi nuôi cơ thể để cung cấp đủ oxy cho các mô cơ quan trong khắp cơ thể, tim phải tăng co bóp. Điều này diễn ra trong một thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng suy tim.
✔️ Bên cạnh đó, khi virus SARs-CoV-2 tấn công vào cơ thể, chúng sẽ bám vào các thụ thể men chuyển 2 để xâm nhập vào các tế bào, tấn công các tế bào cơ tim gây tổn thương cơ tim.
✔️ Sự có mặt của virus cũng kích thích các tế bào lympho T tiết ra các cytokine để kích hoạt hệ miễn dịch hoạt động chống lại virus. Nếu hệ miễn dịch bị kích thích quá mức, các cytokine sẽ tràn ngập trong máu và được gọi là “cơn bão cytokine”… Khi đó bão cytokine không chỉ tấn công SARS-CoV-2 mà còn tấn công cả tế bào lành, gây ra các phản ứng viêm, đông máu, giảm bạch cầu lympho,…vv
✔️Tổn thương cơ tim trực tiếp do sự tấn công của virus SARs-CoV-2 và gián tiếp do cơn bão cytokine là nguyên nhân gây viêm, hoại tử các tế bào cơ tim, dẫn đến viêm cơ tim và hậu quả là suy tim.
✔️Hàng loạt tổn thương tim mạch mạn tính như rối loạn nhịp tim, xơ hóa mô kẽ cơ tim, viêm mạch máu, thuyên tắc huyết khối,… Đích đến cuối cùng của hầu hết các bệnh lý tim mạch này chính là suy tim.
Trên đây là các nguyên nhân lí giải tại sao tỉ lệ những người mắc Covid-19 dễ bị suy tim cao hơn người bình thường.
3. Biểu hiện của suy tim hậu Covid-19
Tùy từng mức độ suy tim mà bệnh nhân có những biểu hiện từ nhẹ đến nặng khác nhau bao gồm:
Một số triệu chứng của suy tim
- Đau ngực
- Sưng phù chân, bụng
- Mệt mỏi nhiều cấp độ
- Ho khan, có thể có bọt hồng
- Tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều
- Khó thở, khó thở khi gắng sức, khi nằm xuống và thậm chỉ cả khi nghỉ ngơi
Bên cạnh đó, có thể phát hiện thêm các bất thường khi làm các chẩn đoán cận lâm sàng như:
- Tim giãn lớn trên phim chụp siêu âm.
- Xét nghiệm máu có tăng men tim, tăng dấu ấn sinh học suy tim.
- Các thành tim giảm động, phân suất tống máu thất trái giảm và xuất hiện tăng áp động mạch phổi.
Đau ngực, khó thở, buồn nôn, sưng phù,…có thể là những dấu hiệu cảnh báo suy tim mà người bệnh cần chú ý.
4. Làm thế nào để ngăn ngừa nguy cơ suy tim ở bệnh nhân sau khi mắc Covid?
Các tổn thương tim mạch có thể xảy ra từ trong quá trình điều trị Covid-19 nhưng các triệu chứng còn nhẹ và chưa biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh không nhận ra. Sau khi điều trị khỏi covid-19, nhiều bệnh nhân chủ quan không quan tâm đến sức khỏe, không tái khám hậu covid, vì thế khiến các tổn thương nặng lên thành bệnh lý. Di chứng tim mạch hậu Covid có thể gặp ở cả bệnh nhân đã có sẵn tiền sử bệnh tim mạch và cũng có thể xảy ra ở cả những người chưa mắc bệnh tim mạch trước khi mắc Covid-19.
Vì vậy, sau khi khỏi Covid-19, bệnh nhân vẫn cần chăm sóc cho bản thân bằng một số biện pháp như sau:
4.1 Tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ nếu có
Sau được xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 nếu các bác sĩ vẫn kê đơn thuốc hoặc chỉ định điều trị thì bạn cần tuân thủ nghiêm, tuyệt đối không bỏ thuốc giữa chừng, thay đổi loại thuốc hay liều lượng mà không có ý kiến của bác sĩ.
4.2 Chế độ ăn uống khoa học
Trải qua quá trình điều trị Covid, giai đoạn hậu covid lúc này cơ thể rất yếu và cần nhiều năng lượng để phục hồi. Vì vậy, bạn nên bổ sung đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là tăng cường trái cây, rau xanh, hạn chế ăn mặn, các thực phẩm giàu cholesterol,…
Nên chia nhỏ bữa ăn, ngoài bữa ăn chính thì có thêm bữa ăn phụ, khoảng 3-5 bữa một ngày để tránh tăng gánh nặng cho hệ tim mạch, hệ tiêu hóa.
4.3 Chế độ tập luyện
Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đi xe đạp chậm, dưỡng sinh,… là phù hợp với các bệnh nhân đang phục hồi sau khi khỏi Covid-19. Khi tập luyện hãy nhớ theo dõi nhịp tim, nhịp thở, nếu thấy bất thường thì cần nghỉ ngơi và điều chỉnh cường độ tập. Đến cơ sở y tế để thăm khám và tham vấn ý kiến bác sỹ sớm nếu tình trạng này lặp đi lặp lại.
4.4 Chủ động thăm khám phòng ngừa và phát hiện sớm suy tim hậu Covid-19
Sau khi khỏi Covid-19, nên theo dõi sức khỏe một cách sát sao, nên sớm đi khám tim mạch nếu có các triệu chứng bất thường như tim đập nhanh, đau ngực, khó thở, mệt mỏi khi gắng sức, cần chủ động thăm khám chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân gây bất thường, từ đó điều trị sớm và hiệu quả.
Trên đây là những thông tin tham khảo về tình trạng suy tim hậu Covid-19. Các thông tin này không thể thay thế các chẩn đoán và điều trị y khoa nhưng hi vọng có thể giúp bạn đọc hiểu thêm về cơ chế và cách nhận diện bệnh. Khi thấy những dấu hiệu bất thường, đừng chủ quan mà hãy đi khám sớm để được các bác sĩ chuyên khoa “bắt bệnh” và tư vấn, hướng dẫn điều trị.
Tại Bệnh viện đa khoa TTH Hà Tĩnh triển khai gói khám và điệu trị sức khỏe hậu covid-19, nếu bạn quan tâm vui lòng gọi điện đến Hotline: 0911 92 91 92 hoặc để lại thông tin bên dưới để được tư vấn.
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TTH HÀ TĨNH
💙Vì sức khỏe và nụ cười của bạn💙
📞 0911 92 91 92
🏥 Số 01 đường Ngô Quyền, TP. Hà Tĩnh